Khi nút giao giữa đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long hoàn thành, việc đi lại từ Hà Đông đến Nhổn, qua hàng loạt khu đô thị như Vinhomes Smart City, Splendora An Khánh, Vườn Cam sẽ trở nên thuận tiện.
Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Hoài Đức, Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 2.450 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022 – 2026.
Dự án gồm hầm chui theo hướng đường Vành đai 3,5 (đường Lê Trọng Tấn cũ, nay là đường Hoàng Tùng) – Quốc lộ 32 với tổng chiều dài 975 m, rộng 18,5 m. 4 cầu nhánh bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài hơn 2.300 m, bề rộng cầu 8,8 m, tường chắn bê tông cốt thép dài hơn 600m.
Hầm chui có 4 làn xe cơ giới, tổng chiều dài là 975 m, rộng 18,5 m. Trong đó, đoạn đi dưới đại lộ Thăng Long thiết kế hầm kín dài 150 m, phía đường Hoàng Tùng và Quốc lộ 32 mỗi bên thiết kế hầm hở 157,5 m, tường chắn dài 220 m.
Hạ tầng kỹ thuật của hầm được xây dựng bao gồm: Hệ thống điện chiếu sáng giao thông, thoát nước trên cầu và hai đầu cầu. Phần đường trong phạm vi nút giao xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh, hào cáp kỹ thuật. Tại nút giao sẽ tổ chức giao thông hệ thống biển báo, đèn tín hiệu đường bộ, sơn kẻ đường tổ chức giao thông.
Phía đường vành đai 3,5 giao nhau với đại lộ Thăng Long (khu vực sẽ xây hầm) vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Hiện nay vẫn là các nhà xưởng và các cửa hàng kinh doanh máy móc, ô tô…Khu vực được xây dựng nút giao hiện là con đường đất đã thành hình. Công trường vắng vẻ, không có công nhân làm việc.
Xung quanh khu vực nút giao giữa đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long có hàng loạt dự án lớn. Tiêu biểu là siêu đô thị Vinhomes Smart City, khu đô thị Geleximco. Đặc biệt, nút giao này còn nằm ngay gần Lumi Hanoi, dự án tạo nguồn cung chung cư lớn nhất thị trường Thủ đô năm 2024.
Bên phía đường vành đai 3,5 đang thi công còn có hàng loạt dự án lớn như Vườn Cam, An Lạc Green Symphony, Splendora An Khánh… Khi nút giao này hoàn thành, việc đi lại giữa các khu đô thị giữa 2 bên đại lộ Thăng Long sẽ trở nên dễ dàng. Xa hơn nữa là việc đi lại từ Hà Đông đến Nhổn sẽ trở nên thuận lợi.
Trước đó, dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 có tổng chiều dài là 5,6 km, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2017. Đây được xem là dự án hạ tầng giao thông quan trọng của Thủ đô, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2021. Tuy nhiên đến nay sau 7 năm thi công, các hạng mục vẫn còn ngổn ngang vì vướng mắc trong việc khai quật, di dời Khu Di chỉ Vườn Chuối.
Còn đoạn đường từ trục phía nam đến đại lộ Thăng Long (đường Hoàng Tùng, tên cũ là đường Lê Trọng Tấn) có chiều dài khoảng 8,7 km, chiều rộng 60 m được khởi công từ năm 2019. Đến nay đã hoàn thành hơn 80% và đang tiếp tục gấp rút hoàn thiện các công đoạn cuối cùng.
Khi hoàn thành, dự án nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 và đại lộ Thăng Long được kỳ vọng hạn chế tình trạng ùn ứ, tắc đường; giải tỏa áp lực cho các tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4. Đường vành đai 3,5 còn là tuyến kết nối giữa bắc sông Hồng và nam sông Hồng; đi qua nhiều quận, huyện: huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, quận Bắc Từ Liêm, huyện Mê Linh…