Tuyến metro số 1 khởi công năm 2012, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km. Tuyến bắt đầu từ ga Bến Thành đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm, 11 ga trên cao. Công tác thử nghiệm và đánh giá an toàn đã được tiến hành từ năm 2023 đến nay, hiện chờ ngày đưa vào hoạt động.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết đến nay việc xây dựng tuyến metro số 1 đã đạt 98% khối lượng. Trong đó các nhà ga (ngầm và trên cao), depot cũng đã hoàn chỉnh.

Các ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son. Còn 11 ga trên cao là công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, bến xe Suối Tiên.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, những ngày này, các kỹ sư, công nhân thuộc nhà thầu và liên doanh tư vấn đang đẩy nhanh xây dựng, làm xuyên lễ tại các cầu đi bộ kết nối tuyến metro số 1. Đồng thời, Ban đang tập trung làm hoàn thiện các công việc còn lại liên quan đến thủ tục.

Nếu trong điều kiện mọi việc diễn tiến thuận lợi, có thể đưa dự án vào giai đoạn khai thác miễn phí vé từ tháng 7 đến tháng 10, và khai thác thương mại trong quý 4 năm nay.

tuyen-metro-so-1-vnre

Nhà ga Bến Thành là nhà ga có diện tích lớn nhất của tuyến metro số 1 gồm 4 tầng ngầm, giai đoạn 1 có chiều dài 236 m, rộng 60 m, độ sâu 32 m với 6 lối lên xuống gồm thang cuốn, thang bộ và thang máy. Được khởi công xây dựng từ năm 2016, đến nay nhà ga ngầm Bến Thành đã gần như hoàn thiện.

Dấu ấn biểu tượng bên trong của tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên là Giếng trời lấy sáng (toplight) cao 6m, đường kính 21,6m, thiết kế hình hoa sen. Giếng trời có chức năng cung cấp ánh sáng tự nhiên và thông gió cho phía dưới nhà ga.

Ga trung tâm Bến Thành khi hoàn thiện được xem là công trình biểu tượng mới tại khu vực trung tâm TP.HCM. Công trình được xây dựng để kết nối với trung tâm thương mại ngầm cũng như các toà nhà, tiện tích xung quanh tạo thành một hệ thống tiện ích phức hợp hoàn chỉnh dưới lòng đất.

Sau lần đầu tổ chức thành công (tháng 8/2023), các đoàn tàu metro số 1 tiếp tục được chạy thử nghiệm toàn tuyến trong dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua. Điều đặc biệt, các chuyến tàu vận hành hoàn toàn tự động, không cần đến sự can thiệp của nhân viên lái tàu.

tuyen-metro-so-1-vnre

Tuyến metro số 1 của nhà thầu Hitachi đã được chạy hoàn toàn theo chế độ tự động ATO/ATP, không cần đến sự can thiệp của nhân viên lái tàu. Hệ thống sẽ tiến hành so sánh tốc độ tức thời thực tế đo được của đoàn tàu với tốc độ an toàn lớn nhất cho phép được cài đặt trên thiết bị, đảm bảo an toàn cho quá trình vận hành.

Dự kiến, tuyến metro số 1 hoạt động trong giai đoạn đầu vận hành sẽ có tổng số 17 đoàn tàu (trong đó 14 đoàn tàu sẽ vận hành, 3 dự bị), mỗi đoàn tàu dài 61,5m gồm 3 toa nối lại với nhau, sức chứa tối đa của đoàn tàu 3 toa là 930 hành khách. Lộ trình dài khoảng 40 km (từ Bến Thành đến Suối Tiên và ngược lại), đi qua 14 ga bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tại mỗi ga, các đoàn tàu sẽ dừng 30 giây và hệ thống cửa chắn ke ga sẽ tự mở.

Nhà thầu đã huy động 7 đoàn tàu chạy đồng thời từ 8h đến 18h hàng ngày với thời gian giãn cách khoảng 10 phút/chuyến. Trong tương lai, tàu Metro số 1 có thể vận hành tới 100.000 lượt khách/ngày đêm. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 có hệ thống bán vé hiện đại, có thể thanh toán qua Momo, chuyển khoản và hình thức thanh toán kết nối tiện lợi khác.

Bài viết liên quan